Tôi muốn cuộc đời như tôi muốn

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017 0 nhận xét
Tôi muốn cuộc đời như tôi muốn - Tác giả : VARUN AGARWAL

“Chúng mày ơi, thằng này viết không ngửi được”

Ờ, trước khi bắt đầu, tôi nói cho các cậu hay, đây là cuốn sách kể lại hành trình trở thành doanh nhân của tôi. Được rồi, được rồi, có thể thi thoảng tôi hơi chém một tí, nhưng dù gì thì nó cũng là câu chuyện của tôi. Vì thế, các cậu nghe thì nghe, mà không nghe thì kệ, tôi chẳng bận gì đâu.
Cuốn sách này là tất cả những kinh nghiệm tôi có được khi vật lộn khởi nghiệp một công ty với thằng bạn chí cốt Rohn Malhotra.
Bạn bè thân thiết, họ hàng quyến thuộc thừa biết tôi chẳng phải là nhà văn nhà veo gì. Thế nhưng, khi viết cuốn sách này, tôi đã vận hết sức để đánh thức anh chàng Hemingway tiềm ẩn trong mình. Nhưng đấy mới chính là vấn đề. Các cậu biết đấy, chẳng có cái anh quái nào tên là Hemingway cư ngụ trong ấy cả.
Và làm ơn đừng có đọc xong rồi đi rêu rao như mõ làng(1) rằng: “Này chúng mày ơi, thằng này viết không ngửi được.” Tôi biết thừa đi ấy chứ.
Giáo viên Ngữ văn của tôi mà đọc được cuốn sách này chắc sẽ choáng váng kinh lắm. Tôi chỉ là một người kể chuyện chứ chẳng phải nhà văn quái gì, thế nên tốt hơn hết đừng mong đợi nhiều.
(Tên một vài người bạn của tôi đã được thay đổi theo yêu cầu.)

“Nó chỉ được 95 điểm thôi, chị ơi!”

Tôi còn nhớ như in cuộc đụng độ đầu tiên với dì(1) Anu. Năm tôi học lớp 6, mẹ đến trường để nhận giấy báo kết quả của tôi. Cuộc gặp định mệnh với bà dì này đã khiến họ trở thành bạn bè thân thiết cho đến tận bây giờ – và chính nó cũng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc hủy hoại cuộc đời tôi. Ở trường, tôi học không giỏi nhưng cũng chẳng đến mức bị thiểu năng, nói chung là làng nhàng không có gì đáng nói. Nhưng đó là trước khi bà dì Anu, nói một cách chính xác, như một ngôi sao chổi lao thẳng vào cuộc đời tôi.
Sau khi sưu tầm thêm một giấy báo đáng thất vọng nữa, mẹ tôi lao như bay về phía cánh cửa và vô tình đâm sầm vào dì Anu. Món khoái khẩu của dì ta là chõ mũi vào chuyện của người khác và thích thú đánh hơi ngay cả khi chỗ ấy chẳng bốc mùi gì ráo. Dì ta lúc nào cũng ra cái vẻ nghiêm trọng và biết tuốt. Cái kiểu nói chuyện chúa là ẽo ợt của dì thì đúng là khiến tôi phiền cả người.
“Poo, chị khoẻ chứ?”, cánh tay nặng như chùy của dì ta ôm chặt lấy mẹ tôi. Nhanh như chớp, mẹ tôi giấu nhẹm giấy báo điểm của tôi vào sau các nếp áo sari và tươi cười chào hỏi.
“Chị khỏe, Anu ạ,” mẹ nói. “Chị không biết con trai em cũng học ở đây. Ngạc nhiên thật đấy.”
Hmm… Tôi chả tin lắm. Mấy bà cô Ấn Độ lúc nào mà chẳng biết tuốt tuồn tuột về nhau, từ việc con cái làm gì, chồng kiếm được bao nhiêu, thậm chí món ăn gần đây nhất họ học nấu và ti tỉ thứ thập cẩm khác đủ để khiến đầu các cậu điên luôn.
“Em biết. Thật thú vị. Cậu nhóc thế nào rồi?” Chà chà, bà dì Anu đang chảy nước miếng trước thứ của lạ được bày ra.
Được rồi, phần thảm kịch bắt đầu rồi đây. Các bà các cô cực ghét việc không thể ném qua ném lại nhau những “lời phản biện đanh thép”. Mà cái thằng tôi đây thì chẳng có cái cóc khô gì để mẹ khoe khoang cả. Thật chẳng có gì tệ hơn lúc này.
“Em biết mấy thằng nhóc này rồi đấy,” mặt mẹ tôi như đưa đám. “Chúng đâu có chịu tập trung vào mỗi việc học.” Bà nhìn tôi hậm hực như thể tôi vừa mới thi trượt Viện Công nghệ Ấn Độ không bằng. Giời ơi, tôi mới chỉ là thằng nhóc 11 tuổi thôi mà!
“Nhưng làm thế nào mà Arjun nhà em lại học hành giỏi giang vậy hả Anu?”, mẹ tôi hỏi.
Arjun là thằng học cùng lớp với tôi, có cặp mắt xanh nước biển. Nó còn là cục cưng của cô giáo nữa. Thằng Arjun cực khoái mấy chuyện thi cử và đọc sách giáo khoa như thể trên tay nó đang là cuốn tạp chí Penthouse(2) vậy. Nó đặc biệt thích hóng hớt xem kết quả của tôi tệ hại đến đâu và vận dụng hết mọi nơ-ron thần kinh để nhạo báng tôi. Chắc các cậu cũng biết mấy cái thằng mọt sách trong lớp luôn hăng hái giơ tay phát biểu mỗi khi giáo viên đặt câu hỏi chứ? Arjun đích thị là thằng đần độn ấy đấy.
“Ôi giời! Arjun dạo này học hành không được tốt cho lắm, Poo ạ. Mà em thực sự ngạc nhiên về con trai chị đấy.” Bà dì Anu thở dài.
Lần đầu tiên trong ngày hôm đó, tôi nở một nụ cười mãn nguyện. Gì đây? Một tia hy vọng vừa vụt sáng chăng? Thằng Arjun cũng có thể bị ăn phải bùa lú một lần, có thể lắm chứ?
“Kết quả của thằng bé sao vậy?”, mẹ tôi hỏi, phấn chấn trở lại.
“Nó chỉ được có 95 điểm thôi, chị ơi!”, dì ta lắc đầu ngán ngẩm.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết bà cô Anu bá đạo thế nào. Dì ta sinh ra đã được trời phú cho tố chất khiến người khác tự cảm thấy bản thân họ tệ hại thê thảm đến mức nào. 95 điểm không những ám chỉ việc thằng Arjun đứng đầu lớp, mà còn có nghĩa là nó đang dẫn đầu toàn khối 6.
“Ôi, Anu, vậy thì em còn mong chờ gì hơn nữa chứ.” Mẹ tôi bày tỏ sự thán phục như thể thằng khốn Arjun kia vừa nhận được giải thưởng Nobel không bằng. Tôi thoáng nhủ thầm, liệu đây có phải là thời điểm tốt lành để thông báo tin động trời rằng giáo viên môn Toán muốn gặp bố mẹ tôi vào tuần tới hay không nhỉ.
“Không đâu Poo à, mục tiêu em đặt ra cho thằng bé là 98 điểm kia. Giờ thì nó tự biết thân biết phận, không có cái trò G.I. Joe Jiếc(3) gì nữa hết.”
Có đứa khốn nào đạt được 95 điểm mà chỉ đòi G.I.Joe thôi không?
Dì Anu huơ huơ ngón tay béo múp chỉ vào mặt tôi vẻ hăm dọa. “Varoon, cháu cần phải chăm chỉ hơn đấy, con trai. Đừng suốt ngày chỉ có gây rắc rối cho mẹ thôi, nghe chưa? Cháu phải nhớ là không học hành thì chẳng có tương lai gì đâu. Thôi, dì phải đi đón Arjun tới lớp học violin đây.”
Và cứ thế, dì ta quay lưng bỏ đi, để lại hai mẹ con tôi đứng đực mặt ra như ngỗng. Và mẹ tôi còn xém chút thì hóa đá vì kinh ngạc. Còn gì tồi tệ hơn khi mẹ tôi muốn biến tôi thành bản sao của thằng khốn Arjun chứ?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thung Lũng Sách | TNB